Đăng ký website bán rượu với Bộ Công Thương

Website bán rượu có đăng ký, khai báo được với bộ công thương hay không?

Trả lời: 

Website TMĐT có giá bán, có chức năng mua rượu thì đều bị cấm

Cấm dùng website TMĐT để kinh doanh rượu, thuốc lá, súng săn

Theo quy định mới của Bộ Công Thương, các thương nhân, tổ chức, cá nhân không được dùng website thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh như: súng săn và đạn súng săn, thuốc lá điếu, rượu các loại…

Thông tư 47/2014/TT-BCT (Thông tư 47) quy định về quản lý website TMĐT vừa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn ký ban hành ngày 5/12/2014.

Có hiệu lực thi hành từ 20/1/2015, Thông tư 47 bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BCT và hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (Nghị định 52) ngày 16/5/2013 của Chính phủ về hoạt động TMĐT.

Một điểm mới của Thông tư này là quy định rõ về hoạt động kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website TMĐT. Theo đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website TMĐT để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh, bao gồm: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; Rượu các loại; Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm gồm cả động vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Về đối tượng được kinh doanh những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và trách nhiệm của họ khi cung cấp dịch vụ TMĐT, Thông tư quy định, thương nhân thiết lập website để bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải công bố trên website của mình số, ngày cấp và nơi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó.

Bên cạnh đó, để tránh sự chồng chéo trong quản lý, giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Thông tư 47 quy định cụ thể việc loại trừ nghĩa vụ thông báo và đăng ký theo quy định của Nghị định 52 đối với các website TMĐT chuyên ngành thuộc một số lĩnh vực đặc thù. “Không áp dụng đối với các website hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm; website mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; website cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng. Những website này chịu sự điều chỉnh của pháp luật quản lý chuyên ngành tương ứng”. 

Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) cho rằng, với quy định loại trừ này, công tác quản lý đối với mỗi loại website nói trên sẽ được quy về một đầu mối là cơ quan quản lý chuyên ngành đối với lĩnh vực hoạt động của loại website đó.

Quy định mới về quản lý website TMĐT đã bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website cung cấp dịch vụ TMĐT đối với thông tin đăng tải trên website của mình bằng các cơ chế lọc tin tự động hoặc bằng những biện pháp kỹ thuật cụ thể đối với các thông tin đưa lên không đúng theo quy định của pháp luật. Đơn cử như, chủ sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định tại Thông tư này; Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực…

Đáng chú ý, Thông tư 47 quy định cụ thể về quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Theo đó, mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động (cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; cho phép người tham gia lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hoặc website có chuyên mục mua bán cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa, dịch vụ) phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT.

Đồng thời, thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội này phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật. Người bán trên các mạng xã hội phải tuân thủ các quy định tại Điều 37 của Nghị định 52.

Quảng cáo rượu trên mạng, trường hợp nào bị cấm?

Chính phủ đã có văn bản cấm quảng cáo rượu trên mạng từ ngày 1/7/2017, nên Công ty phải gỡ bỏ trang web khiến cho các khách hàng không tìm được địa chỉ của Công ty, ảnh hưởng đến doanh thu.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thức Hoài đề nghị cơ quan chức năng xem xét cho Công ty được sử dụng trang web với mục đích để khách hàng truy cập biết đến sản phẩm chất lượng có nguồn gốc xuất xứ, tránh thiệt hại cho nhà sản xuất.

Về vấn đề này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

Khoản 3, Điều 7 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội quy định các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo: “Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên”.

Khoản 5 và Khoản 6, Điều 7 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu quy định các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu:

“5. Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet; bán rượu bằng máy bán hàng tự động.

6. Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật”.

Điều 45, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hành vi vi phạm về bán sản phẩm rượu:

“5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán lẻ sản phẩm rượu bằng máy bán hàng tự động hoặc bán qua mạng internet”.

Điểm c, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử quy định:

“1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh sau:

c) Rượu các loại”.

Đối với tên miền: Tên miền ruoubakichquangninh.vn của Công ty không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 và Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13.

Tuy nhiên, để rõ hơn các quy định về đặt tên miền và quản lý tên miền “.vn” đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông để được giải đáp.

Đối với website: Khoản 8, Điều 3 và Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử quy định:

“Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng” (Khoản 8, Điều 3).

“Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình” (Khoản 1, Điều 25).

Theo nội dung trình bày, website ruoubakichquangninh.vn của Công ty chỉ thông tin cho khách hàng địa chỉ và giới thiệu các hình ảnh của doanh nghiệp (không đưa hình ảnh và giá cả sản phẩm lên website), vậy website của Công ty không phải là website thương mại điện tử bán hàng.

Nếu chỉ cung cấp thông tin trên website trong phạm vi nêu, Công ty không phải gỡ bỏ website.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành website, Công ty cần lưu ý tuân thủ các quy định pháp luật được nêu tại mục a) Công văn này.

 

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan
Google Ads Bảng giá Lý do nên chọn chúng tôi ? Quy trình quảng cáo Liên hệ nhận báo giá